Web nhà thuốc rất ủng hộ những tiếng nói như này để bảo về quyền lợi cho các quầy, nhà thuốc.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin hay phần mềm cần đứng trên quan điểm đúng luật, bảo mật tối đa dữ liệu kinh doanh của khách hàng và thực sự mang tới giá trị đích thực cho khách hàng thông qua sự tự nguyện chứ không phải là ép buộc bằng mệnh lệnh hành chính.
Các bạn, chủ quầy nhà thuốc, hãy cùng chia sẻ để góp thêm một tiếng nói tới cục quản lý dược.
Kiểm soát lạm dụng kháng sinh
Chuyện dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, không theo đơn bác sĩ đang xảy ra phổ biến ở các quốc gia chậm phát triển, dân trí thấp, quản lý y tế kém…, trong đó có nước ta, làm tăng nguy cơ kháng thuốc trong môi trường và có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Do vậy mà năm 2017, Bộ Y tế đã lập đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” (gọi tắt là đề án kiểm soát kháng sinh) để xử lý tình trạng này.
Mục tiêu cụ thể của đề án này là: (1) rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn; (2) đến năm 2020, chấn chỉnh kê đơn kháng sinh (đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh); (3) chấn chỉnh bán thuốc kháng sinh (đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc).
Đề án đưa ra ba bước thực thi gồm: bước 1, khảo sát tình trạng kê đơn và bán thuốc lẻ; bước 2, thiết lập các giải pháp can thiệp để ngăn chặn dùng kháng sinh bừa bãi, bao gồm kiểm soát kê đơn, kiểm soát bán thuốc và nâng cao nhận thức của dân chúng trong việc dùng thuốc kháng sinh; bước 3, xử phạt nghiêm ngặt khi không tuân thủ quy định.
Trong khi toàn cục của đề án kiểm soát kháng sinh chưa định hình thì các nhà thuốc được thông báo phải tham gia sử dụng phần mềm kết nối với Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia
Trong đề án có một đoạn rất nhỏ ghi nội dung cho phép các sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khảo sát và Bộ Y tế sẽ cho ra đời mạng quản lý bán thuốc toàn quốc. Văn bản không nói rõ mạng quản lý bán thuốc này có vai trò gì cho việc đạt được mục tiêu của đề án.
Cho đến nay, sau khi kết thúc giai đoạn 1 của đề án, đầu năm 2019, tiến trình thực hiện đề án quản lý kháng sinh (gồm kết quả khảo sát, kết quả tập huấn kê đơn, kết quả tập huấn nhân viên bán thuốc) vẫn còn ậm ạch. Trong khi toàn cục của đề án kiểm soát kháng sinh chưa định hình thì các nhà thuốc được thông báo phải tham gia sử dụng phần mềm kết nối với Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia (gọi tắt là Cổng thông tin quản lý dược).
Ngày 24-8-2018, Bộ Y tế và Công ty Viettel trình làng một cổng thông tin để tiếp nhận hoạt động kinh doanh của các nhà thuốc tư nhân. Trên các trang báo mạng, Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia này được giới thiệu “nhằm khắc phục tình trạng thuốc kém chất lượng và kiểm soát giá thuốc trên thị trường. Hệ thống hiện tại đã cập nhật thông tin của gần 4.200 nhà thuốc trên tổng số 62.000 nhà thuốc trên toàn quốc, giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu hướng dẫn sử dụng, giá cả, và truy xuất được nguồn gốc thuốc. Người dân cũng sẽ nhận được cảnh báo từ cơ quan quản lý khi nghi ngờ thuốc giả, kém chất lượng”.
Như vậy, hệ thống này không có cùng mục tiêu như đề án đưa ra là kiểm soát kê đơn và bán thuốc kháng sinh mà lại là “khắc phục tình trạng thuốc kém chất lượng và kiểm soát giá thuốc trên thị trường” và các tính năng khác. Trong một bài trả lời phỏng vấn khác thì ông Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết hệ thống quản lý này có khả năng dùng để kiểm soát kê đơn và bán thuốc kháng sinh, tuy nhiên không nói rõ là bằng cách nào.
Kiểm soát hay lục soát?
Từ ý tưởng ban đầu là kiểm soát việc dùng kháng sinh, Hệ thống quản lý nhà thuốc và Cơ sở dữ liệu dược quốc gia chuyển mục đích sang việc kiểm soát số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp. Văn bản 540/QĐ-QLD 2018 về chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm kết nối các cơ sở bán lẻ thuốc phiên bản 1.0 yêu cầu các nhà thuốc phải cung cấp dữ liệu hàng hóa là thuốc và cả số liệu kinh doanh gồm số lượng mua, số lượng bán và số lượng tồn tất cả các thuốc vào Cổng thông tin quản lý dược.
Văn bản kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn (ban hành kèm theo quyết định số 5071/QĐ-BYT ngày 17-8-2018) đưa ra nhiều kế hoạch mang tính cưỡng bức thi hành như sửa điều kiện được chứng nhận GPP, buộc nhà thuốc phải kết nối hệ thống quản lý nhà thuốc và xử phạt các cơ sở kinh doanh thuốc bán lẻ nếu không tham gia kết nối với Cổng thông tin quản lý dược.
Bs. Phạm Xuân Trung
(theo thời báo sài gòn)